Thứ Hai, 27 tháng 10, 2008

Chao ban Le Ka va cac ban,
Neu ban nao khong doc duoc chu Viet co dau thi xin mo attachment coi nhe. Than men.

Chào bạn Lệ Ka,
Thấy bạn than thở không thấy ai xuất hiện nên tui đây đành phải ra mặt để an ủi bạn. Chắc là « cuộc vui đã tàn » , loin des yeux, loin du cœur rồi nên mọi người rút lui để mặc bạn vui cùng bão lụt miền Bắc!
Tui thấy bạn thơ thẩn « Sông Đuống trầm buồn quanh Phủ Quốc…. » gì đó thì ngứa ngáy « a lẹc dích » lắm. Bạn đã lầm SÔNG ĐUỐNG với SÔNG ĐÁY rồi. Câu thơ đó của Quang Dũng (Đôi Bờ & Đôi mắt người Sơn Tây) viết trong thời kháng chiến chống Pháp, sau NS Phạm Đình Chương phổ nhạc, nói đến SÔNG ĐÁY, chứ không liên hệ gì tới sông Đuống của bạn hết.
SÔNG ĐÁY là một chi nhánh của sông Hồng, chạy qua các tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh BìnhNam Định. Đoạn giáp nối giữa sông Đáy và sông Hồng (ở địa phận tỉnh Hà Tây) còn có tên là Sông Hát hay Hát Giang, nơi Hai Bà Trưng đã trầm mình tự tử. Một đoạn trong bài thơ của Quang Dũng như sau :
Sông Đáy trong thơ Quang Dũng
Bao giờ trở lại đồng Bương, Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng?
SÔNG ĐÁY chậm nguồn quanh Phủ Quốc,
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.

Nguyễn Du cũng có một bài thơ về Sông Đáy được dịch như sau:
Chiều sông Đáy (Nguyễn Du)
Cầu nổi cuối thôn mở cánh đồng
Núi xanh lớp lớp mắt ngay trông
Nước lên ngư đẩy thuyền tàn nắng
Lối cũ tiều về gánh sáng trăng
Khói tỏa đôi bờ nhà lác đác
Cây xuân mấy khóm nước mênh mông
Cố nhìn quê quán nơi đâu nhỉ
Trắng một màu mây, cánh cánh hồng
(Thảo Nguyên dịch)


SÔNG ĐUỐNG chạy Từ Đông Anh (Hà Nội) đến Lương Tài (Bắc Ninh), đứng trên cầu Phù Đổng có thể nhìn xuống sông. Hoàng Cầm có bài thơ về Sông Đuống như sau:

Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm (1948 kháng chiến chống Pháp)
Em ơi! buồn làm chi?
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh...
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu,
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Bên kia sông Đuống,Quê hương ta lúa nếp thơm nồng.Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong,Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Bao giờ về bên kia sông Đuống,
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng,
Em đi trẩy hội non sông,
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

Một sự trùng hợp lạ là cả hai bài thơ đều viết trong thời kháng chiến chống Pháp, và đều nói lên lòng nhớ quê, ao ước trở lại quê nhà :

Bao giờ trở lại đồng Bương, Cấn?
Bao giờ về bên kia sông Đuống?

Les grands esprits se rencontrent?

Chào thân ái,
Hải Phong

Không có nhận xét nào: